|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

     Hùng Sơn là một xã miền núi, nằm ở phía Tây của huyện Hiệp Hòa, cách thị trấn Thắng khoảng 5km. Phía Bắc giáp xã Hòa Sơn, Thái Sơn; phía Đông giáp xã Thường Thắng, Đức Thắng; Nam giáp hai xã Mai Trung và Hợp Thịnh; phía Tây giáp xã Quang Minh và Đại Thành; Hùng Sơn là 438,44ha, trong đó: Đất nông nghiệp 283,45ha; đất khu dân cư 97,59ha; đất chuyên dùng (bao gồm đất trụ sở, các cơ quan, trường học, đất công cộng) 52,52ha; đất tín ngưỡng, nghĩa trang, sông ngòi 4,88ha

     Địa hình Hùng Sơn không bằng phẳng, gò đồi liên tiếp xen lẫn những khu ruộng bậc thang. Đây là vùng đất bán sơn địa và được khai phá muộn. Nhiều thế kỷ trước, Hùng Sơncòn là rừng rậm có nhiều thú, hẻo lánh âm u, dân cư thưa thớt và nằm trong quần thể núi Ia. Những năm gần đây, trên địa bàn vẫn còn rừng thông Mai Sơn, rừng Nghè Phẩm Trật với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đến nay vẫn còn tên những quả đồi, xứ đồng gợi nên điều đó như đồi Dộc Bạt, Đồng Núi, Dộc Quýt, Cú Rũ, Đồng Xuễ, Đồng Re, Hang Rơi, Sau Rừng. Trong quá trình di dân lập ấp, con người đã khai thác các khu rừng, cải tạo đất đai phục vụ canh tác và đời sống. Chất đất ở đây không đồng nhất mà khá phức tạp. Khu vực Tân Sơn chủ yếu là đất có độ chua (PH) từ 4 - 5, cát pha bạc màu nặng, bị thoái hóa mạnh, độ phì kém. Ở Mai Sơn và Phẩm Trật phần lớn là đất cát gio, tỷ lệ cát cao, khả năng giữ ẩm, giữ màu thấp. Một phần diện tích đất “mỡ cua” thuộc vùng trũng. Dưới tầng đất pha cát bạc màu là tầng kết vón đá ong, sỏi trắng và sét ở độ sâu 40 - 50cm, có chỗ sâu tới 80 - 90cm. Hùng Sơn nằm trong hệ thống thủy nông sông Cầu, có kênh trôi 1B chạy dọc phía Đông của xã, lấy được nước vào một số chân ruộng vàn cao và các cánh đồng thấp trũng. Riêng ở Mai Sơn vì đồng cao, nước từ kênh 1B không dẫn lên được nên trước năm 1960, hàng năm chỉ cấy được 1 vụ lúa mùa và lệ thuộc vào nước mưa. Những năm gần đây, hệ thống các trạm bơm cục bộ, mương máng tưới tiêu nội đồng cơ bản được kiên cố hóa, thuận lợi cho sản xuất.

     Trên địa bàn xã Hùng Sơn có 1,8km đường tỉnh lộ 296 chạy qua, nối với huyện Sóc Sơn (thủ đô Hà Nội) và sân bay quốc tế Nội Bài bằng cầu Vát bắc qua sông Cầu thơ mộng, ngày càng có tầm quan trọng về nhiều mặt; tuyến đường liên xã bắt nguồn từ Nội Hàng qua trung tâm xã lên khu di tích lịch sử văn hóa Y Sơn (núi Ia thuộc xã Hòa Sơn) và đường nhựa nối từ tỉnh lộ 296, đoạn từ chợ Thường (xã Thường Thắng) chạy qua thôn Tân Sơn, thôn Hòa Tiến đến núi Ia là con đường quân sự có tầm cỡ quốc gia. Toàn xã đã cơ bản bê tông hóa các tuyến đường liên xã, đường làng, ngõ xóm Với những tuyến đường giao thông quan trọng và thuận lợi như vậy, Hùng Sơn không những phát triển có lợi thế về giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội mà tốc độ đô thị hóa cũng sẽ diễn ra khá nhanh. Hiện nay đã và đang hình thành 2 khu phố là Bách Nhẫn, Nội Hàng, có chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bưu điện Bách Nhẫn, Trường Trung học Phổ thông số 3 huyện Hiệp Hòa. Hùng Sơn thực sự là cửa ngõ phía Tây quan trọng của tỉnh Bắc Giang và khu di tích lịch sử văn hóa Y Sơn. Đó là thế mạnh của địa phương mà nhiều nơi không có được.

     Là vùng bán sơn địa, Mai Sơn, Phẩm Trật lại có độ dốc từ Đông sang Tây nên sự chênh lệch độ cao giữa các triền đồi, đồng vàn và đồng trũng tương đối lớn, tạo ra cảnh “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu”. Nhiều khi úng hạn diễn ra cùng một lúc trên một dải ruộng đồng mà trước đây các cụ mô tả “Hạ điền tích thủy, thượng điền khan”. Xưa kia, khi chưa có hệ thống thủy nông sông Cầu, ông cha ta đã biết đào ao chuôm, giếng làng để lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đó là những công trình thủy lợi đầu tiên của nền văn minh lúa nước trên vùng đất này. Riêng xã Phẩm Trật cũ, những năm gần đây vẫn còn trên 20 ao ven làng, nhiều chuôm ở giữa đồng và 5 giếng nước công cộng. Ở Mai Sơn, nhân dân cũng đào 02 giếng nước công cộng, kè đá ong dưới đáy lên và nhiều ao, chuôm lớn nhỏ ở những cánh đồng.

     Do nằm sâu trong đất liền, thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc nên Hùng Sơn ít bị ảnh hưởng của những cơn bão lớn, có 4 mùa rõ rệt, thích hợp với việc trồng nhiều loại cây đan xen trong năm. Tuy diện tích đồi gò chiếm tới 60%, nhưng nhân dân đã phủ xanh đồi trọc bằng các loại cây ăn quả và cây lấy gỗ. Bên trong lòng đất có đá ong, sỏi, cát, sét trắng… làm vật liệu xây dựng. Với tài nguyên và thế mạnh như vậy, Hùng Sơn có tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng, kết hợp du lịch dịch vụ, công nghiệp nhỏ và các ngành nghề truyền thống. Một vùng quê giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc sẽ thành hiện thực ở nơi đây.

     Vùng đất xã Hùng Sơn ngày nay, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 thuộc 2 xã: Mai Sơn, Phẩm Trật và một quần thể trại ấp nhỏ như Thuận Ninh, Nội Bầu, Nội Đường, Sơn Ninh và cụ Nga hợp thành. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển của các làng xã và trại ấp không khác nhau là mấy.

     Trong quá trình phát triển, 2 xã Mai Sơn và Phẩm Trật mở rộng địa dư, có thêm những ấp trại mới và tăng thêm dân số, tạo nên một xã Hùng Sơn thống nhất trong đa dạng.

     Thôn Trung Thành: Từ năm 1945 về trước là xã Phẩm Trật, thuộc tổng Quế Trạo, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà (sau là tỉnh Bắc Giang), gồm 2 xóm Trong và Ngọc. Hiện nay vẫn chưa xác định được thời điểm những người đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp, nhưng với lũy tre dày bao bọc, Phẩm Trật vẫn giữ được dáng vẻ nguyên sơ của một làng cổ như: Cây đa, giếng nước, sân đình, cùng với các ngôi chùa, nghè, điếm, văn chỉ… và có tên trong sử sách Kinh Bắc ngàn năm văn hiến. Ngoài ra, còn có căn cứ để xác định tên “Phẩm Trật” đã có khoảng trên 300 năm vì nếu ghép 2 chữ đầu của đôi câu đối cổ ở mặt tiền ngôi nghè sẽ thành cụm từ “Phẩm Trật”. Những dòng họ trong làng mới xác định được 9 đời (tương ứng với khoảng 225 năm) nhưng lại có 2 khu mộ vô thừa nhận gần lũy tre làng được xác định là tổ tiên của người Phẩm Trật.

     Trải qua biến thiên của lịch sử, Phẩm Trật có sự thay đổi về dân số khá phức tạp. Năm 1927, Phẩm Trật có 122 người, năm 1930 số đinh là 40 suất. Theo bản khai của hương lý xã Phẩm Trật gửi cho Trường Viễn đông Bác cổ trước năm 1938, hiện còn lưu trữ ở Viện Thông tin khoa học xã hội Việt Nam và theo bản Xã chí của xã năm 1944, Phẩm Trật có 331 mẫu. Đến cuối năm 1944 đầu năm 1945, Phẩm Trật chỉ có 53 hộ (khoảng 265 nhân khẩu), 7 dòng họ, trong đó có họ Hoàng xác định được 9 đời, còn các dòng họ khác mới xác định được 7 - 8 đời. Do không có dòng họ nào có gia phả nên khó xác định chính xác. Song các dòng họ ở Phẩm Trật chắc chắn không chỉ có 8 - 9 đời như vậy.

     Ấp Thuận Ninh nay là một xóm của thôn Trung Thành. Người đầu tiên đến lập ấp (khoảng những năm 1939 - 1940) là gia đình cụ Nguyễn Văn Thuận. Quê cụ ở làng Nhội, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Tên ấp được đặt là Thuận Ninh (Thuận là tên người lập ấp, Ninh có lẽ là tỉnh Bắc Ninh, 2 chữ ghép lại thành tên ấp Thuận Ninh). Vì làm ăn khó khăn nên cụ Thuận bỏ đất này lên Nội Đường (về sau cụ lại chuyển gia đình về Khánh Vân, xã Đoan Bái). Sau đó gia đình cụ Hiên, người làng Đồng Hương, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đến tái lập ấp vào năm 1942. Năm 1944, có thêm các gia đình cụ Năm Cù, cụ Dụng, cụ Tuyên, cụ Ba Đều, cụ Bổng đến sinh sống và các gia đình cử cụ Bổng làm trưởng ấp.

     Khi Nhật đảo chính Pháp (tháng 3/1945), ấp bị phá, các cụ phải lánh nạn ở nhiều nơi. Đến năm 1946, gia đình cụ Hiên quay về dựng nhà lập ấp. Ấp được tái lập lần thứ 2 và trở thành một xóm của thôn Phẩm Trật. Tên xóm vẫn được gọi là Thuận Ninh. Tên Bách Ninh mới có từ cuối năm 1954, sau khi xã Hùng Sơn được tái lập. Ấp được hình thành cách nay trên 70 năm.

     Thôn Hòa Tiến: Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 là xã Mai Sơn, thuộc tổng Quế Trạo, có 2 xóm là Hậu Đình và Mai Hòa. Xóm Hậu Đình trong thập kỷ 60 của thế kỷ XX còn có tên là xóm Tân Tiến. Xã Mai Sơn là một làng cổ vì: Thứ nhất, họ Phạm và họ Nguyễn là 2 họ lớn nhất đến nay đã xác định được 10 đời (khoảng 250 năm); thứ hai, trên địa bàn Mai Sơn có các di tích như đình, nghè, chùa, điếm… là những tiêu chí của một làng cổ. Hiện chưa biết chính xác thời điểm và quê quán của người đầu tiên đến khai phá đất đai, sinh cơ lập nghiệp. Duy xác định được dòng họ Phạm từ vùng Bãi Sậy (Hưng Yên) do thiên tai vỡ đê Văn Giang đã lên đây tạo dựng cuộc sống. Tên xã cũng chưa biết có từ bao giờ, nhưng có căn cứ để chứng minh đây là một làng cổ và tên gọi Mai Sơn đã có cách nay khoảng 300 năm. Mai Sơn và Phẩm Trật là “hai anh em sinh đôi” vì thời gian thành lập và tồn tại của 2 xã tương đương nhau.

     Trải qua hơn 100 năm, đến năm 1900 xã Mai Sơn có 24 hộ, 91 nhân khẩu. Năm 1927, xã có 131 người, năm 1930 chỉ có 38 suất đinh. Như vậy, sự biến động về dân số của xã cũng khá phức tạp so với thời gian 300 năm.

     Đến cuối năm 1944 đầu năm 1945, Mai Sơn mới có 48 hộ, 229 nhân khẩu.

     Ấp Cụ Nhạ thường gọi là ấp Cụ Nga. Cụ Nhạ quê ở xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Gia đình cụ lên đây làm ăn, lập ấp từ năm 1924 (thuộc địa phận xã Mai Sơn). Đầu năm 1945, ấp có 15 gia đình, đa phần cùng quê với cụ Nhạ và một số hộ ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Đầu năm 1946, xã Hùng Sơn được thành lập, ấp Cụ Nhạ trở thành một bộ phận của thôn Mai Sơn.

     Thôn Tân Sơn ngày nay được hình thành từ các ấp: Cầm Chúc, Ba Thuận và Sơn Ninh. Ấp Cầm Chúc (sau đổi tên là ấp Nội Bầu) hình thành từ những năm 1922 - 1923. Cụ Đoàn Văn Đĩnh (quê ở Hải Phòng) đưa con cháu lên xã Quế Sơn (xã Thái Sơn ngày nay) nhờ những người đương chức có thế lực thời đó cho phép khai phá đất hoang. Vùng đất các cụ khai phá đầu tiên là vùng đầm trũng xã Quế Sơn. Sau đó, gia đình cụ chuyển về tạm trú ở làng Sa Long - Xã Đức Thắng bây giờ, rồi mới đến định cư ở vùng đất hiện nay. Những người đầu tiên có công khai phá ruộng đất, lập ấp là cụ Đoàn Văn Cầm và cụ Đoàn Văn Chúc nên ấp được đặt tên là Cầm Chúc. Lúc ấp mới lập chỉ có 7 gia đình.

     Ấp Ba Thuận (sau đó được gọi là ấp Nội Đường) được lập vào khoảng năm 1924 với 5 gia đình. Các cụ đầu tiên đến khai hoang lập nên 2 ấp này quê ở 6 tỉnh gồm Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình và Phúc Yên. Đầu năm 1946, 2 ấp Nội Bầu và Nội Đường hợp lại thành thôn Tân Hòa, thuộc xã Hùng Sơn.

     Ấp Sơn Ninh thuộc địa phận xã Thù Sơn, tổng Quế Trạo được lập năm 1943, do cụ Nguyễn Văn Hy làm trưởng ấp. Những người đến lập ấp Sơn Ninh vốn là người từ ấp Chùa Sậu, thuộc xã Hữu Định, tổng Gia Cát. Năm 1924 - 1925, một số gia đình ở xã Văn Môn và Đông Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh lên vùng đất Chùa Sậu lĩnh canh ruộng của đồn điền Vát làm ăn, sinh sống và lập ấp. Tên ấp do đó được gọi là Chùa Sậu. Năm 1943, có khoảng 9 - 10 gia đình chuyển lên chân núi Ia lập ấp mới, đặt tên là Sơn Ninh - tức là người Bắc Ninh lên núi ở. Đầu năm 1945, ấp có 13 hộ.

     Tháng 4/1946, xã Hùng Sơn được thành lập. Ấp Sơn Ninh được sáp nhập vào Hùng Sơn và trở thành một thôn của xã.

     Như vậy đến đầu năm 1946, thôn Tân Hòa có 2 ấp là Nội Bầu và Nội Đường, đến năm 1957 có thêm ấp Sơn Ninh và đổi tên thành thôn Tân Sơn; thôn Phẩm Trật có thêm ấp Thuận Ninh; Làng Mai Sơn có thêm ấp cụ Nhạ, làng Phẩm Trật có thêm ấp Thuận Ninh, thôn Tân Hòa có thêm ấp Sơn Ninh và đổi tên là thôn Tân Sơn. Người dân đến đây lập ấp, làm ăn, sinh sống theo sự chiêu mộ của chủ đồn điền và có quê từ các tỉnh hội tụ về các ấp này đã thành lập cách ngày nay khoảng 80 – gần 100 năm. Năm 1957, toàn bộ số hộ ở ấp Sơn Ninh chuyển về định cư ở đồi Dộc Đá (thuộc địa phận làng Mai Sơn). Vì cùng là dân ấp nên các cụ xin nhập vào thôn Tân Hòa, (đổi tên Tân Hòa thành thôn Tân Sơn như ngày nay)

     Như vây, sau này thôn Hòa Tiến, Trung Thành, Tân Sơn trở thành thôn của xã Hùng Sơn ngày nay.

Thông báo Thông báo

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 5,178
Tổng số trong ngày: 81
Tổng số trong tuần: 127
Tổng số trong tháng: 1,503
Tổng số trong năm: 12,990
Tổng số truy cập: 32,892