|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Mai Sơn, Phẩm Trật không có những công trình kiến trúc lớn mang tầm cỡ quốc gia mà chỉ có những ngôi đình, chùa, nghè, điếm, văn chỉ có quy mô nhỏ. Nhưng đó cũng là những căn cứ để chứng minh Mai Sơn và Phẩm Trật là 2 làng cổ.

Theo bản Xã chí (ghi chép tổng quát về xã) viết năm 1944, đình xã Phẩm Trật có 6 đạo sắc, 1 bản thần tích; chùa có tên chữ Hán là Bách Nhẫn tự. Đình xã Mai Sơn có 1 bia hậu và có 7 đạo sắc, chùa có 1 bản thần tự là Thái Hòa tự.

Chùa Phẩm Trật (tên chữ Hán là Bách Nhẫn tự) được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ XVIII (hiện vẫn còn nhiều bia hậu xác định điều đó). Năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), xã Phẩm Trật dựng bia hậu ghi công đức bà Lê Thị Hạnh cung tiến tiền và ruộng để xây chùa, nội dung bia hiện còn lưu trữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội Việt Nam. Bia có tên Phẩm Trật xã tự bi, trên có ghi năm tạc và dựng bia, còn chùa đã xây dựng từ trước. Chùa có 2 gian tam bảo bài trí tượng Phật, 3 gian tiền tế làm nơi hành lễ. Trước năm 1945, chùa tọa lạc tại đỉnh đồi Bách Nhẫn, cách xóm Trong khoảng 500m. Các cụ lên chùa phải đi qua cây cầu đá bắc qua suối. Cây cầu là một viên đá ong rộng gần 2m, dài 2m, chân cầu cũng kê toàn đá ong (không xây), có viên nặng tới 5 - 6 tạ. Từ năm 1768, chùa Bách Nhẫn đã được đánh giá là “… Nơi danh lam cổ tích”. Trong bia hậu dựng năm ghi: “… Nhận thấy chùa Bách Nhẫn bản xã là nơi danh lam cổ tích”. Từ khi xây dựng đến nay chùa đã trải qua 5 lần di chuyển. Lần di chuyển thứ nhất từ Bách Nhẫn về Nội Hương; lần thứ 2 chuyển về địa điểm cũ tại đỉnh đồi Bách Nhẫn; lần thứ 3 chuyển về sau đình (đất ở của gia đình ông Nguyễn Hùng hiện nay). Khi đình và chùa bị hư hoại, tượng Phật được chuyển vào điếm xóm Trong để thờ, biến điếm thành chùa, đó là lần di chuyển thứ 4. Lần di chuyển thứ 5 về cạnh hội trường thôn. Năm 2008, chùa được tái dựng như hiện nay.

Đình, nghè Phẩm Trật thờ Dương Tự Minh (tức Cao Sơn Quý Minh), Diên Bình công chúa, Thiều Dung công chúa, Phúc thần họ Ngọ và họ Hoàng. Đình bị hư hoại và tháo dỡ từ lâu. Nghè chỉ có 2 gian hậu cung, tường xây bít đốc bằng đá ong, phía trước có cột đồng trụ, đầu hồi mặt tiền đắp hổ phù, bài trí thờ theo chiều dọc. Năm 1996, dân làng làm thêm 3 gian nhà tiền tế, tạo thành tổng thể kiến trúc hình chữ Đinh. Mặt tiền hậu cung còn 3 đôi câu đối cổ bằng chữ Hán.

Chùa xã Mai Sơn (tên chữ Hán là Thái Hòa tự) là ngôi chùa cổ được xây dựng từ lâu đời. Căn cứ vào những di tích còn lưu trữ được và theo các cụ cao niên ở địa phương cho biết, chùa xưa tọa lạc trên gò đất cao ở rừng thông, cách khu dân cư khoảng 200m về phía Tây. Do sự biến thiên của lịch sử và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, chùa phải di dời 2 lần (viết lại: chùa đã di dời 2 lần): Lần thứ nhất dời về giữa làng (vườn chùa lúc đó nay là đất ở nhà ông Phạm Văn Hồng, xóm 3, Hòa Tiến); lần thứ 2 vào khoảng cuối thời Lê (đời vua Lê Chiêu Thống 1740 - 1786), dời về vị trí hiện nay. Lần này chùa được xây dựng gồm 3 gian thượng điện, 3 gian tiền đường kiểu chữ Đinh, kiến trúc kẻ chuyền con chồng, không chạm trổ, lợp ngói mũi hài. Ngoài nơi thờ Phật, chùa còn có khoảng 10 gian nhà tổ làm bằng tre lợp rạ và các công trình phụ khác. Trên thượng điện (tam bảo) thờ 12 pho tượng Phật. Ngoài tiền đường thờ tượng Đức Chúa, 2 tượng hòa thượng và sư tổ, chùa có khu vườn rộng, ao hồ và ruộng hậu Phật gần 10 mẫu. Trước năm 1945, chùa có 3 gian tam bảo, 3 gian ngoài làm nơi hành lễ và 3 gian nhà tổ. Trong khoảng 100 năm, chùa có nhiều đời sư và thầy tự trụ trì. Trong nội tự có 2 tòa tháp cổ xây dựng bằng đá ong là tháp Hằng Quang (mộ chí của hòa thượng Hải Sáng) và tháp Tự Tại (mộ chí của sư tổ có công nuôi dạy hòa thượng Hải Sáng)... Trước những năm 70 của thế kỷ XX, chùa Thái Hòa tuy nhỏ nhưng về thực thi nghi lễ Phật pháp, tổ chức lễ hội cơ bản đúng với đạo Phật. Cảnh chùa đẹp nên tạo được lòng tín nhiệm với Phật tử và dân nhân trong vùng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

   

Hằng Quang                                                                                                                Tháp Tự Tại

Xây dựng trước đời Cảnh Hưng

Chùa xây dựng cách nay trên 200 năm nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1964, nhân dân trong thôn phải hạ giải 3 gian tiền đường. Tượng đức Chúa, tượng sư tổ và tượng hòa thượng phải đưa vào thờ ở thượng điện. Năm 1998, nhân dân tổ chức trùng tu, tôn tạo lại như ngày nay. Bình đồ kiến trúc vẫn kiểu chữ Đinh, gồm 3 gian thượng điện nối liền với 5 gian tiền đường. Chùa mới rộng rãi, khang trang tố hảo hơn, nơi thờ phụng được bố trí hợp lý, số lượng tượng Phật được bổ sung mới, tượng cũ được sửa chữa, sơn lại. Tuy kiến trúc vẫn là kẻ chuyền con chồng nhưng không giữ được nét cổ kính của chùa cũ.

Chùa Thái Hòa thôn Hòa Tiến, di tích lịch sử cấp tỉnh

Đình xã Mai Sơn chưa rõ được xây dựng dưới triều đại nào, nhưng căn cứ vào những di tích còn lại cho thấy đình đã tọa lạc ở 3 địa điểm khác nhau. Đầu tiên, đình tọa lạc ở phía Bắc đầu làng (làng cũng là xã), quay hướng Tây (nay là khu đất ở nhà ông Nguyễn Văn Tân, xóm 3, thôn Hòa Tiến). Lần thứ 2 chuyển về phía Nam cuối làng, vẫn quay hướng Tây (miếu xóm 2 ngày nay). Tại đây, đình được xây dựng gồm 3 gian thượng điện, 3 gian tiền đường, 2 nhà tảo mạc gồm 6 gian. Kiến trúc đình cổ kính, trước cửa có nhiều cây cổ thụ hằng trăm năm tuổi. Trải qua thời gian, đình bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong những năm 1962 - 1963, một số cấu kiện kiến trúc ngôi đình được tháo dỡ làm công trình phúc lợi nên dân làng phải chuyển đình lên nghè. (Năm 1942, xã Mai Sơn làm 3 gian nghè ở phía Bắc đầu làng). Từ đó, hàng năm cứ đến ngày 12 tháng 10 âm lịch, dân làng lại rước ngai thánh từ nghè về đình thờ, xong lại rước ngai về nghè làm lễ an vị. Năm 1995, đình chuyển về nghè ở phía Bắc đầu làng, nhân dân trùng tu ngôi nghè cũ thành đình, làm mới 2 gian thượng điện, 5 gian tiền đường, kiến trúc kẻ chuyền con chồng nhưng không được cổ kính như đình cũ.

Ngày 31/12/2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang có Quyết định số 2487QĐ/UBND công nhận đình Mai Sơn và chùa Thái Hòa (thôn Hòa Tiến) xã Mai Sơn cũ là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đình Mai Sơn (thôn Hòa Tiến) Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

Đến năm 2019 sau 24 năm đình được tôn tạo, do thời điểm tôn tạo (1995) điều kiện kinh tế của nhân dân còn rất khó khăn, chất lượng nguyên vật liệu xây dựng không được tốt nên đình xuống cấp nghiêm trọng và lại được trùng tu lần thứ hai (từ khi tôn tạo).

Đình được trùng tu hiện nay, có bình đồ kiến trúc theo kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tòa tiền đình nối liền với 2 gian tòa hậu cung, hệ thống liên kết tòa tiền đình bằng 6 hàng cột, mỗi hàng 4 cột, tòa hậu cung 3 hàng cột, mỗi hàng 2 cột, được liên kết bằng hệ thống kẻ, bảy, xà đinh, con chồng. Các cấu kiện đều có chạm khắc nổi, hậu cung tạo khán thờ. Tường gạch xây bít đốc, cột đồng trụ, bờ nóc chính giữa đắp hình “Lưỡng long chầu nhật” đình khang trang cổ kính như ngày xưa.

Vốn là một đình cổ, nên hầu hết đồ thờ bằng gỗ, vẫn được các cụ và nhân dân bảo

quản, giữ gìn gần như nguyên vẹn như: Ngai thánh, Chúc ba, Bát hương, Bình hương, Mâm bồng, Cây nến, Quá tẩy, bộ Kiệu song hành. Đặc biệt nhân dân còn lưu giữ được 7 đạo sắc phong, chất liệu bằng giấy gió vào các đời vua nhà Nguyễn, như: Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân và Khải Định. Cùng với đó là những bức Hoành phi, các đôi câu đối cổ, bia ký ở đình, chùa chạm khắc những hoa văn, họa tiết, phản ánh vẻ đẹp của quê hương đất nước, góp phần làm phong phú trí tượng và khuyên răn con người làm việc thiện, cầu mong cuộc sống tốt lành, đó là những dấu tích để chứng minh Mai Sơn, Phẩm Trật là 2 làng cổ.

Ở thôn Tân Sơn từ năm 1992 trở về trước, chưa có đình và chùa, nên các cụ bà ở đây hằng năm vẫn đi quy chùa Mai Sơn, các cụ ông thì xây miếu để làm lễ. Năm 1992, nhân dân xây dựng chùa lần thứ nhất, năm 2006 chùa được mở rộng trùng tu lần thứ 2, năm 2016 chùa lại được hạ giải trùng tu lại lần thứ 3, cùng với xây dựng chùa, thì nhân dân xây dựng đình, hai công trình đình và chùa được hoàn công vào tháng 4 năm 2017 ”.

Đình Tân Sơn xây dựng bằng xi măng cốt sắt rộng 200m² , 5 gian, 4 góc đao, tường xây bít đốc cột đồng trụ, 4 góc đao đắp chạm nổi tứ quý long, ly, quy, phượng. Đình Tân Sơn thờ vọng Trần Hưng Đạo(Đức Thánh Trần) các ngày lễ trọng trong năm là ngày 10 tháng chạp là ngày sinh và ngày 20/8 (âm lịch) là ngày hóa của Đức thánh.

Chùa Tân Sơn hiện nay được xây dựng bằng gỗ lim có bình đồ kiến trúc theo kiểu chữ đinh, gồm 5 gian tiền đường, nối liền tòa thượng điện (tam bảo) 3 gian, tọa lạc cạnh đình, nằm trong khuôn viên khu đất rộng ở phía đông nam thôn Tân Sơn, tên chùa là “Tân Sơn tự” ngày lễ trọng của chùa hằng năm vào ngày mồng bảy tháng giêng, các cụ và nhân dân trong thôn mở cửa chùa làm lễ.

 

 

Thông báo Thông báo

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 5,128
Tổng số trong ngày: 66
Tổng số trong tuần: 112
Tổng số trong tháng: 1,488
Tổng số trong năm: 12,975
Tổng số truy cập: 32,877